Dị ứng mùa, đến hẹn là… bị hành!
Dị ứng là vấn đề sức khỏe đã, đang và sẽ làm khó dễ chúng ta dài dài…
Nhưng luôn có thời điểm mà dị ứng “quậy” rất rõ, nên gọi là dị ứng mùa.
Giao ban Đông- Xuân: mùa dị ứng!
Thời điểm cuối năm dị ứng phất rõ lên thấy rõ, đó chính là vào “giao ban” Đông-Xuân. Vậy, có gì trong tay áo nàng Xuân khiến thiên hạ hắt hơi, xì mũi ì xèo? Phấn hoa đích thị là… thủ phạm!
Mùa xuân trăm hoa đua nở. Phấn hoa từ nhị (đực) gửi tình theo gió đến nhụy (cái) để thụ phấn sinh con đẻ cái. Cái mũi chúng ta, nơi phát tát dị ứng rõ nhất, đơn giản là bãi đáp vô duyên chen ngang cuộc “giao lưu tình cảm” của cỏ cây, mà rước họa toàn gia!
Vấn đề là vì sao những hạt phấn hiền lành lại bỗng “có sừng có mỏ” trong giới dị ứng nguyên? Với kích thước 10-100 micromet, phấn hoa là khách “hạng thương gia” dễ dàng vân du khắp chốn. Phấn hoa còn thuộc thành phần “nhà có điều kiện” với hơn 22 acid amin, 11 loại vitaimin và lủ khủ chất khoáng, men, hoạt chất sinh học. Một bụng “thiên kinh vạn quyển” ken đầy trong hạt phấn, lý giải vì sao phấn hoa lại cực nhiễu sự với hệ miễn dịch.
Không chỉ phấn hoa!
Chì chiết phấn hoa lắm, coi chừng lầm là chỉ mỗi hoa cỏ mới sinh dị ứng mùa. Còn có “500 anh em” khác như mạt nhà, nấm mốc, hoa lá cành của cỏ cây tham gia gây sự... Ngoài ra, “mùa” trong dị ứng cần hiểu nhiều ngã. Chẳng hạn, dị ứng rộ lên theo mùa thu hoạch hải sản với cá ngừ, cá thu. Nông dân có mùa đốt đồng. Tây có mùa cắt cỏ. Tết nhứt là mùa tảo mộ, sơn phết, dọn rửa nhà cửa...
Ngoài gió, hoa cỏ còn con rơi con rớt nhờ bám chân côn trùng, đặc biệt là ong! Người ta thu hoạch phấn ong bằng tấm lưới, đủ để các chú ong chui qua, còn phấn bị giữ lại. Phấn ong thập toàn đại bổ. Vấn đề là không ít người canh chằm chặp giữa trời phấn, nhưng lại điềm nhiên nhăm nhi phấn ong rồi dị ứng đùng đùng, mà không rõ vì sao.
Lớn ròng theo tiết trời, khiến dị ứng mùa còn được dùng gọi chung với dị ứng thời tiết, viêm mũi dị ứng, sốt cỏ khô (dù chẳng sốt tẹo nào). Gió và độ ẩm hậu thuẫn mạnh tầm thiên lý của phấn hoa. Do vậy, dị ứng mùa còn có nhánh nhỏ vào mùa hè hoặc thu!
“Né” xa là tốt nhất!
Chống dị ứng, không phân biệt mùa hay không mùa, tiên quyết là tránh xa dị ứng nguyên. Từ các loài hoa có tên tuổi như tulip, thủy tiên, đồng tiền, ngọc trâm, đỗ quyên, cẩm tú, huệ tây, cúc, lan, hướng dương, hoa cải, bưởi... cho tới những thực vật đơn giản, ít màu mè như lúa, ngô, phi lao, bồ công anh... Ngay cả cỏ, cũng né luôn, vì là phần tử dị ứng có số má!
Hội hè tết nhứt là thách thức cho những con bệnh dị ứng mùa. Chọn hoa nào để chưng, lễ lạt ông bà trên bàn thờ, đôi khi là cuộc cân não. Đút rút ra danh sách “Một đêm quân tử nằm kề/ còn hơn thằng ngốc vỗ về quanh năm” không dễ, đôi khi trả giá bằng nhiều lần mũi dãi lòng thòng, mề đay mẹ mề đay con nổi đầy mình, mất vui!
Biết thân biết phận cho yên!
Triệu chứng dị ứng mùa ở da (mề đay, ngứa, chàm...), mũi/mắt ( hắt hơi, chảy mũi, chảy nước mắt, viêm kết mạc...). Dị ứng mùa “bao” trọn gói dịch đau mắt đỏ mùa xuân. Khó thở, sốc, tụt áp là dấu hiệu dị ứng nặng có thể xảy ra ở người hen suyễn!
Thuốc điều trị chủ yếu là kháng histamin, kháng thụ thể H2, Prednisolone nếu cần. Bổ sung rau quả giàu vitamin (C, A, B1, B6, B12...) giúp tăng cường miễn dịch.
Biết thân biết phận nên “cố thủ” trong nhà vào mùa dị ứng, đặc biệt lúc gió to, nắng lớn, độ ẩm thấp. Buổi sáng là thời điểm “phóng đãng” của phấn hoa, nên tránh ra ngoài trước mười giờ sáng. Đóng cửa sổ. Hạn chế phơi quần áo bên ngoài. Mang khẩu trang khi xuống đường. Đi ra ngoài, về nhà thay quần áo, tắm rửa, gội đầu ngay!
Mũi là đối tượng tấn công số một của dị ứng. Vì vậy, thường xuyên rửa mũi bằng nước muối sinh lý là khuyến cáo cần thiết. Không ăn nhập, nhưng stress, dưới tác dụng của cortisol, khiến dị ứng nặng hơn. Tránh căng thẳng góp phần chọi lại dị ứng mùa!